Tổng quát về đới bờ Quản_lý_đới_bờ_biển

Bài chi tiết: Đới bờ biển

Đới bờ là vùng không gian tương tác giữa biển và đất liền. Đới bờ biến đổi theo từng loại, đặc điểm và cường độ các quá trình địa chất xảy ra dọc chúng. Chúng có thể biến đổi nhanh và mạnh dưới sự tượng tác của đất liền và biển, hoặc chúng có thể tương đối ổn định.

Theo Chương trình Tương tác Đại dương – Lục địa ở đới bờ (LOICZ), ở quy mô toàn cầu, đới bờ biển: “trải rộng từ đồng bằng ven biển tới mép thềm lục địa, được xem là vùng ngập chìm và phơi cạn luân đổi trong các kỳ dao động mực biển vào thời kỳ Đệ tứ muộn” [7]

Về phương diện quản lý, đới bờ biển bao gồm vùng nước ven bờ (gồm cả các phần đất nổi trên và nằm dưới) và vùng đất ven biển (gồm cả nước mặt và nước ngầm) tương tác mạnh mẽ với nhau; gồm cả một số đơn vị hành chính ven biển, các đảo, các khu chuyển tiếp, vùng triều, bãi lầy mặn, đất ngập nước và bãi biển [8]

Ở Việt Nam, giới hạn phía biển của đới thường được chọn ở khoảng độ sâu 30 - 50m nước tùy vùng và giới hạn phía lục địa được lấy theo địa giới hành chính các huyện ven biển [6]

Thuộc tính của đới bờ

  • Tính tương tác (nội – ngoại sinh)
  • Tính phân dị (ngang dọc): tạo ra các đới dọc bờ và ngang bờ khác nhau về sinh thái môi trường.
  • Tính động: Biến động theo chu kì khác nhau.
  • Tính nhạy cảm: Rất dễ bị thay đổi dưới tác động từ bên ngoài
  • Giàu tài nguyên và các tiềm năng phát triển đa ngành
  • Tập trung sôi động các hoạt động phát triển
  • Nơi chứa thải: Từ lưu vực sông đổ ra, từ biển đưa vào

Tầm quan trọng của đới bờ

  • Cung cấp không gian sống cho các loài, trong đó có con người.
  • Là nơi sinh cư tự nhiên, nơi giàu thức ăn, nơi ương nuôi ấu trùng và các bãi sinh sản cũng như môi trường sống lý tưởng không chỉ cho các loài sinh vật ưa sống ở vùng bờ, mà còn cho các loài sống xa bờ.
  • Cung cấp thực phẩm, hàng hóa, nguyên nhiên liệu và các dịch vụ cho con người nói chung và cho cộng đồng ven biển nói riêng.
  • Điều hòa môi trường, bồi tích sông, dòng dinh dưỡng từ lục địa đưa ra, chất gây ô nhiễm nguồn đất liền, cũng như điều hòa thời tiết, khí hậu.
  • Các hệ sinh thái bờ có thể giảm thiểu tác động của năng lượng sóng đến bờ biển (kể cả sóng thần) và bảo vệ bờ biển khỏi bị xói lở.
  • Nơi giàu có và sản xuất ra các chất dinh dưỡng cần cho nhiều loài sinh vật và duy trì cơ sở đa dạng sinh học cao cho phát triển thủy sản bền vững và sinh kế cho cộng đồng địa phương ven biển (khoảng 80% tiền thu được từ thủy sản).

Tài nguyên đới bờ

Tài nguyên bờ thuộc hai nhóm chính: tài nguyên sinh vật (đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, tiềm năng bảo tồn, nguồn lợi thuỷ sản mặn-lợ, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản) và phi sinh vật (dầu khí, sa khoáng ven biển, vật liệu xây dựng, tiềm năng phát triển du lịch, tiềm năng phát triển cảng-hàng hải), tiềm năng vị thế,...

Theo mức độ tái tạo người ta chia ra: tài nguyên tái tạo (lượng sử dụng sẽ tự phục hồi lại sau một đơn vị thời gian như nguồn lợi sinh vật, các hệ sinh thái...) và không tái tạo (dùng bao nhiêu hết bấy nhiêu như dầu khí, khoáng sản khác...).

Các hệ sinh thái ven biển và ven bờ được xem là yếu tố đầu vào để phát triển bền vững một số ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái.

Bảo toàn chức năng tự nhiên của hệ chính là giữ được nguồn vốn sinh thái cho phát triển bền vững các ngành kinh tế trên nói riêng và vùng bờ nói chung.

Liên quan